Bình Định – nơi truyền thống thượng võ từ lâu đã thấm sâu vào trong máu thịt người dân và trở thành bản sắc riêng của Bình Định trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhắc đến võ thuật, nhắc đến miền đất võ Bình Định.
1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ BÌNH ĐỊNH
Bình Định thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình là 27,4°C (cao nhất: 39,1°C, thấp nhất: 15,5°C); độ ẩm trung bình: 80%; lượng mưa trung bình năm: 1.935mm (cao nhất : 2.647,4mm, thấp nhất: 1.339,7mm). Bình Định có tổng diện tích tự nhiên 6039.56 km2 , dân số trên 1.500.000 người; bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, nam giáp tỉnh Phú Yên, tây giáp tỉnh Gia Lai, đông giáp Biển Đông; cách thủ đô Hà Nội 1.065km, cách TP.Hồ Chí Minh 686km, cách TP.Đà Nẵng 300km, cách Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) qua Lào 300km. Là 1 trong 5 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung (cùng với Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quãng Nam, Quãng Ngãi).
Thành phố Quy Nhơn là trung tâm Văn hóa – Kinh tế – Chính trị của tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được xác định là một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế của cả khu vựa miền Trung và Tây Nguyên.
Bình Định đang bảo tồn nhiều di tích kiến trúc – văn hóa Champa, đặc biệt là thành Đồ Bàn và các tháp Chăm (8 cụm, 14 tháp) với nghệ thuật kiến trúc độc đáo.
Xem thêm: Hệ thống tháp Chăm tại Bình Định
Bình Định là nơi xuất phát và là thủ phủ của phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ 18 với tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Bình Định là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi nuôi dưỡng tài năng các danh nhân: Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, …; Quê hương của các loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo như: Võ Cổ Truyền Việt Nam, Tuồng, Bài Chòi,…
Các lễ hội truyền thống: lễ hội Đống Đa, lễ hội Chợ Gò, lễ hội làng rèn Tây Phương Danh, lễ hội làng đúc đồng Bằng Châu, lễ hội đô thị Nước Mặn, lễ hội cư dân miền biển, lễ hội Đổ giàn,…
Làng nghề: Rượu Bàu Đá, Mộc mỹ nghệ, Gốm Gò Sành, Nón ngựa Gò Găng, Làng rèn Tây Phương Danh, Bún Song Thằn, Bánh tráng nước dừa,…
Xem thêm: Tour làng nghề Bình Định 1 ngày
Ẩm thực: Bánh hỏi lòng heo, bánh ít lá gai, rượu Bàu đá, bún Song Thằn, nem Chợ Huyện, bánh tráng nước dừa, bún chả cá Quy Nhơn,… và nhiều đặc sản biển nổi tiếng khác.
Bình Định có bờ biển dài 134km, nhiều vũng vịnh với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh biển hài hòa, hấp dẫn như: Quy Nhơn, Quy Hòa, Tam Quan, Tân Thanh, Vình Hội, Trung lương, Hải Giang, Đảo Yến, đầm Thị Nại – Bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, bãi Dài, bãi Dại, bãi Xép…
Cơ sở lưu trú ở Bình Định đa số nằm dọc biển có cảnh quan đẹp, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng các dịch vụ của du khách.
2. ĐƯỜNG ĐẾN QUY NHƠN – BÌNH ĐỊNH
Bình Định có một lợi thế vượt trội trong giao lưu khu vực và quốc tế là nằm ở trung tâm của trục Bắc – Nam (trên cả 3 tuyến đường bộ, đường sắt và đường hàng không); Là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông bắc Campuchia và Thái Lan (bằng cảng biển quốc tế Quy Nhơn thông qua Quốc lệ 19).
Hệ thống đường bộ đi qua Quy Nhơn, Bình Định có đường quốc lộ A, quốc lộ 1D, quốc lộ 19 rất thuận tiện với hệ thống bến xe liên tỉnh, nội tỉnh và lượng xe khách, xe du lịch chất lượng cao. Hệ thống taxi, xe buyt đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân và du khách.
Về đường sắt, từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đến Bình Định: mỗi ngày có rất nhiều chuyến tàu Bắc – Nam chạy qua địa phận tỉnh Bình Định và dừng ở ga Diêu Trì – một trong những ga lớn của hệ thống đường sắt Việt Nam. Vì thế du khách có thể lựa chọn tàu hỏa trong cuộc hành trình đến với vùng đất võ này.
Với sân bay Phù Cát (Quy Nhơn) cách trung tâm thành phố 35km, việc đi lại giữa Bình Định với TP.Hồ Chí Minh rất thuận tiện và dễ dàng: Hằng ngày có 05-10 chuyến bay khứ hồi Quy Nhơn – Tp.Hồ Chí Minh; 03-05 chuyến bay khứ hồi Quy Nhơn – Hà Nội.
3. VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH
Truyền thống thượng võ từ lâu đã thấm sâu vào trong máu thịt người dân Bình Định. Nơi đây đã sản sinh ra những con người có tài thao lược làm rạng danh đất võ anh hùng: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu. Đất võ Bình Định và phái võ thuật Tây Sơn đã tạo nên những chiến công vang dội trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, trở thành bản sắc dân tộc mang nét rất riêng Bình Định:
“ Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền”
Võ cổ truyền Bình Định đã trở thành một di sản Văn hóa, một nét đẹp riêng của người dân Bình Định và đã được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản phi vật thể cấp Quốc gia năm 2012. Đến đây, ngoài việc xem biểu diễn từ các đội chuyên nghiệp, du khách có thể tham quan việc luyện võ trực tiếp từ người dân lao động bình thường nơi thôn dã với các địa danh nổi tiếng như “ roi Thuận Truyền, quyền An Thái “ hoặc trai An Thái, gái An Vinh” (Thuận Truyền thuộc xã Bình Thuận – Tây Sơn, An Vinh thuộc xã Nhơn Phúc – An Nhơn) hoặc chùa Long Phước (xã Phước Thuận – Tuy Phước) là những nơi xuất phát của võ cổ truyền Bình Định.
Du khách có thể đến nhà biểu diễn võ thuật Tây Sơn trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung hoặc các võ đường khác như: Phan Thọ (Bình Nghi – Tây Sơn), Hồ Cương (Bình Thuận – Tây Sơn), Lý Xuân Hỷ (Đập Đá – An Nhơn), Phi Long Vịnh (Phước Sơn – Tuy Phước),… để tận mắt chiêm ngưỡng các cô gái chàng trai trong những bài quyền, roi, kiếm,… mạnh mẽ, uyển chuyển. Cứ 02 năm 01 lần, vào các năm chẵn tại Bình Định lại diễn ra Liên hoan (Fesstival) Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam cho tất cá các võ sinh học võ cổ truyền Việt Nam từ tất cả các quốc gia trên thế giới về tụ họp, trao đổi, nghiên cứu bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam.
4. CÁC VÕ ĐƯỜNG NỔI TIẾNG TẠI BÌNH ĐỊNH
4.1 Võ đường Phan Thọ: do võ sư Phan Thọ làm chủ môn phái, ông sinh năm 1928, quê quán thôn 4, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. Hiện nay võ đường Phan Thọ có khá đông môn sinh trong và ngoài tỉnh đến theo học.
4.2 Võ đường Hồ Ngạnh: do võ sư Hồ Sừng, làm chủ môn phái, ông sinh năm 1938, quê quán thôn Hòa Mỹ (từ làng võ Thuận Truyền tách ra), xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn.
Võ đường Hồ Ngạnh hay làng võ Thuận Truyền này được nhắc đến nhiều bởi môn roi. Các bài roi Thất bộ, Thái Sơn, Bát quái, Tứ môn, Ngũ môn, Trực chỉ, Tấn Nhất, Tiên ông,… rồi ngày cả Lạc Côn – bài roi của cố lão sư Hồ Nhu (ông nội võ sư Hồ Sừng) vốn được xem là di sản văn hóa phi vật thể quý hiếm của làng võ cố truyền Thuận Truyền cũng là tài sản vô giá của võ cổ truyền Bình Định.
4.3 Võ đường Long Phước Tự: do võ sư Thích Hạnh Hòa làm chủ môn phái, ông sinh năm 1954, là Thượng tọa trụ trì chùa Long Phước tại thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Phái võ cổ truyền chùa Long Phước từ lâu là niềm tự hào của miền đất võ Bình Định, mạch võ từ ngôi chùa này đã làm phong phú thêm và tiếng vang xa của miền đất võ Bình Định, Việt Nam.
4.4 Võ đường Phi Long Vịnh: do võ sư Phi Long Vịnh (Trương Văn Vịnh) làm chủ môn phái, ông sinh năm 1935, quê quán thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
4.5 Võ đường Lê Xuân Cảnh: do võ sư Lê Xuân Cảnh làm chủ môn phái, ông sinh năm 1938, quê quán thôn Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn. Rất nhiều võ sinh của đường Lê Xuân Cảnh đã học được tuyệt chiêu của các bài võ binh khí như Song đao , Song phủ, Độc kiếm, Song kích,… và đặc biệt là sở trường về roi với các bài roi Thái Sơn, Trực chỉ, Bát quái… Ngay trong lứa học trò đầu tiên của ông – võ sinh Bảo Thương, khi được cử đi tham gia Liên hoan Quốc tế võ thuật tại Nga, dã xuất sắc giành Huy chương vàng với bài roi Bát quái. Thời gian gần đây, Lê Xuân Cảnh đã phục dựng và đào tạo đội võ sinh biểu diễn thi đấu cờ người rất độc đáo ở An Nhơn nhằm phục vụ các dịp lễ và đào tạo các đội múa lân thể hiện võ thuật trong biểu diễn khá đặc sắc.
4.6 Võ đường Lý Tường: do võ sư Lý Xuân Hỷ làm chủ môn phái, ông sinh năm 1940, quê quán thôn Phương Danh, thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn. Một võ đường có truyền thống lâu đời và nổi danh trong các làng võ Bình Định.
5. NHẠC VÕ TÂY SƠN – BÌNH ĐỊNH
Nhạc võ Tây Sơn (còn có tên trống trận Tây Sơn) nổi tiếng thế giới là một nét văn hóa độc đáo, là niềm tự hào của người dân Bình Định xuất phát từ phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỉ XVIII. Đây là loại võ nhạc nhằm kích thích sĩ khí của ba quân trong luyện tập cũng như trong chiến đấu, Cũng theo truyền thuyết thì tiếng võ nhạc Tây Sơn cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc hành quân thần tốc và chiến đấu oanh liệt của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống ngoại xâm.
Nhạc võ Tây Sơn gồm 1 bộ 12 cái trống để tượng trưng cho 12 giáp. Bộ trống được dựng thành gián theo thứ tự 3 hàng từ lớn đến nhỏ ứng viết triết lý tam tài (Thiên – Địa – Nhân). Người cử trống đánh cả 2 tay và cùi chỏ, cùng hai dùi trống (gọi là roi), dài khoảng 30 phân, đánh cả hai đầu vừa đánh trống vừa di chuyển như múa võ. Đưa hai tay lên múa là có thể đánh cả bốn mặt trống hay tang trống cùng 1 lúc. Vào một bài trống gồm 3 hồi: Xuất quân – Xung trận hãm thành – Ca khúc khải hoàn, nghệ nhân dánh trống có thể khiến người nghe cảm thấy cảnh mưa rào thác đổ, khi nhặt khi khoan, khi dồn dập bức tim, khi hào hùng phấn. Ngày nay, Nhạc võ Tây Sơn đã trở thành một loại nhạc lễ trong di sản nghệ thuật của Việt Nam.